Thí sinh bật khóc, bố mẹ dỗ dành động viên
Sau khi kết thúc bài thi môn toán sáng 2/6, nhiều thí sinh ở Vĩnh Phúc bật khóc vì đề toán phân hóa cao.
Tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Phú, nhiều thí sinh thẫn thờ, một số em bật khóc khi gặp cha mẹ đến đón ở cổng trường.
Một số thí sinh nhận xét, đề Toán phân hóa từ câu 7, đề khó và dài. Để làm được điểm 7, thí sinh phải có học lực khá trở lên, phải đọc nhanh và tư duy nhanh mới kịp.
Tại hội đồng thi Võ Thị Sáu, huyện Bình Xuyên, nhiều ý kiến cho rằng, đề thi có cấu trúc như năm ngoái, các bạn học lực khá sẽ đạt được 7,0 điểm. Bài hình học ở mức khó, nhiều em không làm được.
Em Lê Huyền Trang tại hội đồng thi Trường THPT Quang Hà cho biết, mình không làm được bài như mong muốn, dự tính cao nhất chỉ khoảng 7-8 điểm. Những thí sinh trong đội tuyển mới đạt 9 điểm trở lên.
Tại hội đồng thi Trường THPT Yên Lạc, nhiều em ra khỏi điểm thi, nét mặt không mấy vui, phải động viên, trấn an.
Em Nguyễn Hạ Nhật Minh, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ, mặc dù còn chút nuối tiếc chưa thật hài lòng nhưng em còn ngày mai, cơ hội cuối cùng thi bài chuyên toán, vì thế em giữ tinh thần, dốchết sức lực còn lại để gỡ điểm cho bài thi sáng nay.
Trong khi đó tại hội đồng thi Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Lập Thạch, nhiều thí sinh phấn khởi, cười tươi khi ra về. Một số ít học sinh không che giấu nổi nỗi buồn, khóc nức nở vì làm nhầm.
Thí sinh Trần Hồng Quân, học sinh trường THCS Lập Thạch cho biết, đề thi môn toán khó vừa phải, em làm được trên 80%, áng chừng được khoảng 8,5 đến 9 điểm.
Đề phân hóa cao
Theo thầy giáo Lưu Văn Sáng, Trường THCS Xuân Hòa (Vĩnh Phúc), đề toán vào lớp 10 năm nay ở mức độ khó, có tính phân hóa cao từ câu 7 (b), câu 9 (b, c) và câu 10, chỉ học sinh khá – giỏi mới làm được.
Thầy giáo Trần Mạnh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lập Thạch – đánh giá, cấu trúc đề phù hợp với ma trận đề của Sở GD&ĐT, các câu hỏi được phân bổ đều ở các chủ đề kiến thức mà học sinh đã được học. Đề ra hay, phân loại được học sinh.
Thầy Đỗ Đức Anh, trường THCS Lý Tự Trọng, Bình Xuyên cho rằng, các em có học lực trung bình có thể làm được khoảng 6,5. Lấy điểm 8 trở lên là học sinh nắm chắc kiến thức và vận dụng tốt.
“Đề thi môn toán năm nay vẫn giữ tính ổn định về mặt cấu trúc so với năm 2023-2024. Đề thi có hướng tiếp cận với xu hướng đánh giá năng lực và có tính phân hóa cao. Mức độ phân hóa chủ yếu thuộc phần tự luận. Các câu 5, câu 7a, câu 9a, học sinh trung bình có thể làm được.
Các câu 6, câu 7b, câu 8, câu 9b phân loại học sinh khá. Các câu 9c và câu 10 là hai câu phân hóa học sinh giỏi. Trong đề, có câu 8 giải bài toán bằng cách lập phương trình đòi hỏi học sinh phải có năng lực mô hình hóa toán học và hiểu rõ khái niệm phần trăm mới có thể giải quyết được”, thầy Hà Trọng Hậu, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Thị Giang, phân tích.
Trả lời phóng viên Dân trí chiều 2/6, đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, đề toán vào lớp 10 THPT không chuyên của Vĩnh Phúc được nhiều giáo viên đánh giá khá hay, phân loại cao. Với đề thi này, phổ điểm trung bình sẽ khoảng 7 điểm. Để đạt điểm 9, 10, các em phải có học lực tốt.
“Trong một kỳ thi, có thí sinh làm được nhưng có thí sinh tiếc nuối là điều dễ hiểu. Bên cạnh những thí sinh tiếc nuối vì có những câu chưa làm được, cũng có một số em khác phấn khởi vì hoàn thành tốt bài thi”, đại diện này cho hay.
Với bài thi toán sáng nay, các thi sinh thi vào lớp 10 THPT không chuyên của tỉnh đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh năm 2024.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, môn toán có 18.854 thí sinh dự thi, trên tổng số 18.875 thí sinh đăng ký, vắngthi 21 thí sinh, giảm 1 thí sinh do thí sinh thi văn, toán để lấy kết quả đi học nghề, không dự thi môn tiếng Anh.
31 hội đồng thi của tỉnh không ghi nhận trường học thí sinh, cán bộ vi phạm quy chế thi.
Sáng mai (3/6), khoảng 1.584 thí sinh đăng ký thi vào trường chuyên Vĩnh Phúc sẽ làm bài thi môn chuyên trong thời gian 150 phút.